Là người đã được trải nghiệm 2 lần phỏng vấn học bổng Úc (AAS), có bại, có thành, thợ săn học bổng Hoàng Tú Anh chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân khi tham gia phỏng vấn học bổng chính phủ úc, hy vọng có thể giúp ích được cho nhiều bạn.
Kinh nghiệm phỏng vấn học bổng chính phủ úc
1. Kiến thức
Đây là một trong những vòng quan trọng nhất để có tấm vé du hành là suất học bổng toàn phần tới xứ sở chuột túi. Vì vậy, đây là thời khắc quan trọng bạn thể hiện hình ảnh của bản thân sau khi vượt qua vòng sơ loại. Đây không phải là bài thi, nên kiến thức không chỉ gom nhặt một sớm một chiều, mà là tổng hợp những kinh nghiệm, kĩ năng đã có để chứng tỏ bạn là người xứng đáng được nhận học bổng.
Về mặt kinh nghiệm, các ứng viên tham gia phỏng vấn hầu hết phải có kinh nghiệm làm việc từ hai năm trở lên, trừ những đối tượng ưu tiên do hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, hiểu biết về lĩnh vực bạn đang hoạt động và diễn giải thành ngôn từ bằng niềm đam mê là cần thiết. Thông thường, các câu hỏi sẽ tập trung để làm nổi bật hai điểm: thứ nhất là bạn đã đóng góp được gì cho cộng đồng trong lĩnh vực mình hoạt động; thứ hai là khả năng đóng góp của bạn cho sự phát triển của Việt Nam sau khi đi học về. Hiểu nôm na, điểm thứ nhất cần chứng minh cho được bạn đã làm gì đóng góp cho công việc của mình trong quá khứ, những điều đã làm được và những điều chưa làm được mà mình còn day dứt, còn muốn khắc phục. Điểm thứ hai nói được ý định phát triển và hoạch định cụ thể của mình như thế nào trong tương lai. Cả hai điểm đều nên đưa ra những dẫn chứng, ví dụ cụ thể rõ ràng chứ không nói chung chung.
Về kĩ năng, quan trọng nhất là trong mỗi câu trả lời, bạn đều thể hiện được niềm đam mê của mình. Đừng cố tỏ ra mình là người hoàn hảo, vì hoàn hảo rồi đâu còn phải học. Hãy tỏ ra mình là người có nhiệt huyết, có khát khao nhưng mình còn thiếu chỗ này chỗ kia. Và học bổng là cơ hội để chấp cánh cho mình trước hết là hoàn thiện bản thân, và có điều kiện hơn để đóng góp cho xã hội.
2. Trang phục
Lần phỏng vấn đầu tiên, mình chú ý rất nhiều tới trang phục. Lo chuẩn bị phỏng vấn một phần, một phần khác đứng ngồi không yên: mình sẽ mặc cái gì cho buổi phỏng vấn? Con gái mà. Nên nỗi lo chắc lại càng nặng gánh hơn cánh đàn ông. Chuẩn bị trang phục để phỏng vấn là điều quan trọng. Vì xuất hiện với một hình ảnh có đầu tư cũng chứng tỏ mình tôn trọng người đối diện. Nhưng cái gì đầu tư quá mức cũng thành không hay. Chị không thể xuất hiện với bộ váy áo rườm rà, diêm giúa. Anh không thể chơi nguyên bộ đồ thể thao rộng thùng thình đi phỏng vấn.
Lần phỏng vấn đầu tiên, mình bận nguyên bộ quần jean, áo sơ mi đóng thùng cộng với tóc tết. Không phải là bím đuôi mà vì cái mớ tổ quạ của mình buộc bản thân phải tết tròn một cuộn sau gáy. Nói thật lúc đó mình không được tự tin cho lắm với cái hình ảnh lạ lạ của mình. Lần thứ hai mặc một bộ váy công sở trắng và áo vest xanh bên ngoài. Độ tự tin lên hẳn. Lời khuyên của mình đối với con gái là mặc một bộ váy công sở hoặc một bộ đồ sơ mi tối giản, không quá hai màu, tóc tai gọn gàng, lịch sự. Anh bạn mình, cũng là học viên AAS, đại diện cho phái nam, có lần từng trò chuyện, nói rằng áo sơ mi đóng thùng làm anh tự tin, thoải mái nhất. Tuỳ vào sở thích của mỗi người mà chọn cho mình một bộ đồ phỏng vấn phù hợp nhưng trong trường hợp nào cũng nên thể hiện được phong thái chuyên nghiệp, gọn gàng,tự tin và lịch sự. Cái quan trọng hơn quần áo, đó là phong thái, điều mà mình có đề cập ở phần dưới đây.
3. Tâm lý và tâm thế trả lời phỏng vấn
Hầu hết các cuộc phỏng vấn, chuẩn bị tâm lý là một trong những yếu tố mang tính quyết định sự thành công của cuộc phỏng vấn. Chúng ta đã đi cả một chặng đường dài để đến ngang khúc này, đừng để tâm lí đánh bại. Là người từng trải qua những cung bậc cảm xúc của một người săn học bổng, mình hiểu được phần nào cảm giác, được sự hi sinh của các anh, các chị, các bạn. Có những chị một bên ngồi ôm con, một bên là bộ đề thi IELTS kè kè sát nách. Có những anh chị kiên trì theo đuổi học bổng năm này qua năm khác, chưa được vẫn chưa buông bỏ niềm đam mê. Có những bạn, những em gánh gồng cả tuổi thơ cơ cực để mong muốn một lần đổi đời khi thực hiện được ước mơ. Nhận được email hẹn ngày phỏng vấn, tim đập thình thình trong lồng ngực. Niềm vui xen lẫn nỗi lo. Nhưng vượt trên tất cả, mong mọi người đón nhận nó một cách nhẹ nhàng. Đừng đặt quá nhiều áp lực vào cuộc phỏng vấn, đừng ép bản thân: “Nhất định phải làm được! Nhất định phải đậu!”. Vì vô tình, dù ít hay nhiều, điều này càng làm tăng thêm sức ép về mặt tâm lí và có thể chệch hướng bất cứ lúc nào trong cuộc phỏng vấn.
Điều này đã xảy ra với mình trong cuộc phỏng vấn đầu tiên. Đó là cuộc phỏng vấn năm 2013. Mình bước vào cuộc phỏng vấn với tâm thế rất tự tin với niềm tin sắt đá là mình có thể làm được. Nhưng như mình có đề cập ở trên, nếu thể hiện mình không đúng mực thì bạn sẽ chỉ ngậm ngùi nuốt trái đắng ra về mà thôi. Nói như vậy không phải bảo các bạn là đừng tự tin. Mà tự tin với những gì mình có, biết mình mạnh chỗ nào, thiếu chỗ nào và cho người ta thấy cơ hội họ trao cho mình là đúng. Mình trở lại lần phỏng vấn một năm sau đó với tâm thế hoàn toàn thoải mái. Không đặt nặng chuyện được mất mà chỉ biết rằng sẽ cố gắng cho hội đồng phỏng vấn thấy được nhiệt huyết, niềm đam mê và năng lực hiện có của mình. Kết quả thế nào sau đó, mình cũng chấp nhận. Vì AAS không phải là con đường duy nhất. Anh Chị Em nào săn học bổng chuyên nghiệp cũng sẽ thấy có rất nhiều con đường cho chúng ta đi, có rất nhiều cơ hội mở ra trước mắt. Chỉ cần cố gắng, anh chị em sẽ biến ước mơ thành hiện thực.
Chúc Anh, Chị, Em mã đáo thành công!
Hoàng Tú Anh
Nhận xét: